10 “VẠN” thờ Ông Nam Hải ở Phú Quý

Ở đảo Phú Quý, tín ngưỡng thờ Ông Nam Hải được người dân hết sức chú trọng và đề cao nên từ xa xưa đã lập lên các các ngôi Lăng hay Vạn thờ cá Ông. Theo thống kê sơ bộ tại Phú Quý có 10 Vạn thờ cá Ông (toàn tỉnh Bình Thuận có 26 Vạn thờ), điều đó cho thấy niềm tin của ngư dân vào thần Nam Hải, vị thần hộ mệnh của ngư dân trên biển mỗi dịp ra khơi.

Đảo Phú Quý tỉnh Bình Thuận hiện là địa phương có các cơ sở thờ tự cá voi nhiều nhất so với các địa phương cấp huyện khác của cả nước. Dân cư trên đảo với đặc thù sinh kế nghề đi biể nên rất tin tưởng vào sự linh thiêng che chở của cá voi Ông Nam Hải, mỗi năm tổ chức hàng chục lễ hội liên quan đến nghinh Ông Nam Hải để tỏ lòng tôn kính và cầu mong mùa cá bội thu và những chuyến hải trình an toàn.


Trong việc thờ cá voi Ông Nam Hải, so với các địa phương cấp huyện khác trong cả khu vực từ Quảng Bình đến Hà Tiên, Phú Quý là nơi có nhiều ngôi lăng vạn thờ cá voi ông Nam Hải nhất, những lễ hội cầu ngư, nghinh ông, kỵ ông Nam Hải diễn ra thường xuyên quanh năm tạo nên một sinh hoạt tín ngưỡng nghề biển rất phong phú và mang tính cộng đồng cao.

Ngư dân Phú Quý có một niềm tin tưởng rất lớn vào sự linh hiển của cá Ông, người dân Phú Quý còn lưu giữ rất nhiều sự tích ca ngợi sức mạnh và sự linh hiển của thần Nam Hải, được đúc kết dưới dạng những câu thơ, những bài hát, điệu hò dân gian, các bài hát bả trạo, các bài văn tế dùng trong những lễ hội cầu ngư. Không chỉ ngày xưa, ngày nay nhiều người dân đảo vẫn nghĩ và tin tưởng vào sự phù hộ của cá Ông, do đó việc thờ phụng cá Ông Thần Nam Hải trong các lăng vạn được thực hiện rất tôn nghiêm và Phú Quý là địa phương cấp huyện còn lưu giữ được nhiều lăng vạn thờ cá Ông nhất của cả nước, hàng năm nhân dân góp tiền của công sức tổ chức nhiều lễ tế lễ hội ca ngợi và biết ơn cá Ông thần Nam Hải

Cùng chúng tôi tìm hiểu 10 vạn thờ và ngày ngày lễ thờ tại VẠN tại Phú Quý nhé !

Vạn An Thạnh

Vạn thuộc làng Triều Dương xã Tam Thanh, được xây dựng năm 1781, là ngôi vạn thờ cá Ông đầu tiên trên đảo. Nếu ở Phan Thiết có Vạn Thuỷ Tú nổi tiếng với bộ cốt cá Ông lớn nhất dài 24 mét thì ở Phú Quý cũng có Vạn An Thạnh đang lưu giữ bộ cốt cá Ông dài 17 mét và gần 100 bộ cốt của các loại sinh vật biển được người dân tín ngưỡng cho là linh thiêng.Vạn có tượng thờ thần Nam Hải.

Bộ xương cá Voi tại Vạn An Thạnh

Vạn còn lưu giữ 10 sắc phong từ thời vua Nguyễn trong đó có 2 sắc phong từ thời vua Tự Đức và Khải Định sắc phong cho thần Nam Hải cự tộc ngọc lân, 8 sắc phong cho Thiên Ya Na và Bắc Quân Đô Đốc có đền thờ Trấn Bắc ở hòn Tranh. Vạn có 3 kỳ lễ hội trong năm: lễ cầu ngư vào tháng giêng âm lịch, lễ tế Ông Bà lớn vào 28-29 tháng ba âm lịch, lễ tế Vị Cố vào 15-16 tháng mười âm lịch.

Vạn Triều Dương

Vạn thuộc làng Triều Dương xã Tam Thanh, được xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII. Vạn còn giữ 2 sắc phong cho thần Nam Hải vào thời vua Khải Định. Vạn có 3 kỳ lễ tế chính trong năm: lễ tế Xuân vào tháng giêng hay tháng hai âm lịch, lễ tế Thu vào tháng bảy hoặc tháng tám âm lịch và lễ tế cá Ông vào 25-26 tháng mười một âm lịch.

Thuyền ở Làng Triều Dương
Thuyền ở Làng Triều Dương

Vạn Hội An

Vạn thuộc làng Hội An xã Tam Thanh, được xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII. Vạn còn giữ 2 sắc phong cho thần Nam Hải vào thời vua Khải Định. Vạn có 3 kỳ lễ tế chính trong năm là lễ tế Xuân, tế Thu và lễ tế cá Ông vào ngày 1-2 tháng 6 âm lịch.

Làng Hội An
Làng Hội An

Vạn Mỹ Khê (Lăng Cô Mỹ Khê)

Vạn Mỹ Khê được tạo lập từ năm 1785, đến nay đã trải qua hơn 231 năm tồn tại. Vạn là thiết chế tín ngưỡng dân gian gắn liền với tập tục thờ cúng cá voi của ngư dân làng Mỹ Khê qua nhiều thế hệ trong cuộc sống mưu sinh trên biển đảo. Sự tồn tại của di tích gắn liền với quá trình khai khẩn đất đai, tạo lập làng xóm và xây dựng lăng vạn của các thế hệ cha ông ngày trước.

Hàng năm, tại vạn Mỹ Khê diễn ra 3 kỳ tế lễ chính vào dịp xuân thu nhị kỳ theo tập tục “xuân cầu thu báo” và lễ kỵ Cố vào ngày 20 tháng tư âm lịch. Lễ tế xuân diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng giêng đến tháng ba âm lịch, mục đích của nghi lễ này để khẩn cầu thần Nam Hải phù trợ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, thuyền ra khơi đánh bắt đầy tôm cá. Tế thu trong khoảng thời gian từ tháng bảy đến tháng chín âm lịch, mục đích của nghi lễ này để tạ lễ, báo đáp thần Nam Hải đã phù hộ, độ trì và bảo trợ cho dân làng qua một năm làm ăn gặp nhiều thuận lợi, may mắn để có một cuộc sống khấm khá và sung túc.

Lễ kỵ Cố diễn ra ngày 20 tháng tư âm lịch, đây cũng là dịp lễ hội chính yếu và quan trọng nhất hàng năm của vạn. Đây là lễ tế vị thần Nam Hải đầu tiên lụy và trôi dạt vào bờ được ngư dân làng Mỹ Khê làm lễ an táng, thượng ngọc cốt và đưa vào lăng tẩm để thờ phụng theo tập tục, tín ngưỡng dân gian lâu đời của ngư dân vùng biển.

Làng Mỹ Khê

Với những giá trị văn hoá đặc sắc, Vạn Mỹ Khê được UBND tỉnh Bình Thuận xếp hạng di tích lịch sử – Văn hoá Cấp tỉnh tại Quyết định số 2154/QĐ-UBND ngày 30/10/2012

Vạn Thương Hải

Vạn nằm sát biển thuộc làng Thương Hải xã Ngũ Phụng, liền kề ngôi điện thờ bà Chúa Ngọc Thiên Ya Na trong cùng một khuôn viên, được xây dựng khoảng cuối thế kỷ XVIII. Vạn còn giữ 10 sắc phong, trong đó có 3 sắc phong cho thần Nam Hải, 5 sắc phong cho bà Chúa Ngọc Thiên Ya Na và 2 sắc phong cho Bắc Trấn đô đốc Bùi Quận Công vào thời vua Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân và Khải Định. Vạn có 2 kỳ lễ tế chính trong năm là lễ tế Xuân vào đầu năm và tế Thu vào tháng tám âm lịch.

Cổng Làng Thương Hải và Đền thờ Bà Chúa Ngọc

Vạn An Hoà (lăng An Hoà)

Vạn thuộc làng An Hoà xã Ngũ Phụng, được xây dựng vào năm 1796. Lăng còn giữ 5 sắc phong cho thần Nam Hải và bà Chúa Ngọc Thiên Ya Na vào thời vua Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân và Khải Định được lưu giữ tại nhà ông Cha (ông Cha là nhân vật tiền hiền được dân làng thờ phụng) cách ngôi lăng khoảng 50 mét về phía bên phải của ngôi lăng. Vạn có 3 kỳ lễ tế chính trong năm là lễ tế Xuân và tế Thu và lễ kỵ Ông Nam Hải ngày 16-17 tháng mười một âm lịch.

Vạn Quý Thạnh

Vạn thuộc làng Quý Thạnh xã Ngũ Phụng, được xây dựng vào khoảng nửa cuối thế kỷ XVIII. Vạn còn giữ 5 sắc phong cho thần Nam Hải vào thời vua Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân và Khải Định ( trong đó có 1 bản sao viết tay của sắc phong thời Tự Đức). Vạn có 3 kỳ lễ tế chính trong năm là lễ tế xuân, tế thu và lễ kỵ 25-26 tháng tám âm lịch.

Vạn Hải Châu

Vạn Hải Châu có kết hợp đền thờ phụng bà Chúa Ngọc trong cùng một khuôn viên, thuộc làng Hải Châu xã Ngũ Phụng, được xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII. Vạn còn giữ 4 sắc phong cho thần Nam Hải vào thời vua Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân. Vạn có 2 kỳ lễ tế chính trong năm là lễ tế Xuân và tế Thu.

Vạn Liên Thành

Vạn thuộc làng Liên Thành xã Long Hải, được xây dựng lần đầu tiên vào cuối thế kỷ XVIII, sau nhiều lần trùng tu tu bổ vạn có kiến trúc to lớn khang trang có tường cao bằng đá bao quanh cổng chính bề thế hướng ra biển. Vạn hiện không còn giữ được sắc phong do thất lạc và bị thiêu huỷ. Vạn có 3 kỳ lễ tế chính trong năm là lễ tế Xuân vào tháng giêng và tế Thu vào tháng bảy âm lịch và lễ kỵ 13-14 tháng mười âm lịch.

Cổng Vạn Liên Thành ở Phú Quý

Vạn Phú Thạnh

Vạn thuộc làng Phú Thạnh xã Long Hải, được xây dựng lần đầu tiên vào đầu thế kỷ XIX và trùng tu lớn năm 1908, cổng mới to đẹp xây năm 2001. Vạn còn giữ 2 sắc phong cho thần Nam Hải vào thời vua Tự Đức và Khải Định. Vạn có 3 kỳ lễ tế chính trong năm là lễ tế Xuân vào tháng giêng, tế Thu vào tháng bảy âm lịch và lễ tế cá Ông vào ngày 1 tháng ba âm lịch.

Vạn Phú Thạnh

Nội dung bài viết được vetauphuquy.vn trực tiếp trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa, tín ngưỡng và các tập tục tại địa phương và tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau. Rất mong nhận được sự ủng hộ của quý độc giả bằng cách mua vé tàu cao tốc đi Phú Quý thông qua vetauphuquy.vn để chúng tôi có động lực thực hiện nhiều hơn nữa bài viết liên quan đến đảo một cách đầy đủ, chân thực và sống động nhất.


Marketing

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn