Hòn Rơm

Hòn Rơm từ lâu là một trong những cảnh quan thiên nhiên khá đặc biệt nằm trong quần thể khu du lịch Mũi Né (Bình Thuận). Hiện nay địa danh này được nói đến nhiều hơn khi thuộc địa bàn quy hoạch xây dựng khu du lịch quốc gia Mũi Né với diện tích rộng gần 15.000ha dọc dài bờ biển đến Hòa Phú (Bắc Bình) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22/3/2021. Trong đó, khu du lịch phường Mũi Né là trung tâm với diện tích 2.525ha. Với nhận định, Mũi Né đứng hàng thứ 2 trong top 11 bãi biển đẹp nhất Đông Nam Á, cũng là nơi hấp dẫn du khách du lịch bốn mùa.


Thư tịch cổ ghi địa danh Mũi Né từng là “Vị Nê vịnh cảng”. Tư liệu Hán Nôm qua ĐNNTC ghi núi Vị Nê (Vị Nê sơn), Bản đồ hàng hải Taberd (1) từ phiên âm Latin là “Cap de Né” và người Việt đọc/ viết Mũi Né (tương tự Mũi Kéga/ Mũi Kê Gà)…Theo đó, địa danh gốc Chăm này đây là vùng đất gắn với tên công chúa Bia Nai Naih/Néh, khi chết mới tuổi 16 và được lập am thờ ở đất Hòn Rơm. Nếu do trại âm thì tên nữ thần Bia Nai Naih/Né có liên hệ gì với tên gọi đồi Bà Nài xưa, có cụm tháp thờ công chúa Pô Sha Inư thuộc thôn Ngọc Lâm (Phú Hài) không? Vì Phố Hời/Phố Hài/Phú Hài chỉ cách xa Mũi Né dưới 20km. Tên gọi Mũi Né là địa danh thuần Việt và được suy diễn thêm từ cộng đồng cư dân gắn bó với nghề biển giã lâu đời. Đây là nơi ghe thuyền núp tránh được gió bão, mùa bấc thì “né” đậu bãi sau, mùa nam chuyển ra bãi trước.

 Với địa danh Hòn Rơm, theo nhiều sách báo mô tả đây là một ngọn đồi có loài cỏ ống dài bao phủ, vào mùa mưa cỏ mọc um tùm nhưng mùa nắng khô biến đổi sang màu vàng úa như màu rơm ruộng lúa sau thu hoạch. Vùng khí hậu đặc trưng ở Mũi Né, mùa nắng dài hơn mùa mưa nên Hòn Rơm gần như quanh năm khoác lên mình tấm lụa màu vàng của thiên nhiên hoang dã, biến sắc dưới ánh nắng lúc bình minh ở góc đồi như một dải lụa màu óng ánh, khi chiều xuống lại gam màu vàng ối đồng quê…Dân địa phương rất đơn giản với tên đặt theo tầm nhìn từ xa, Hòn Rơm giống như một đống rơm khổng lồ chồm ra biển…Những kinh lược sứ ghi chép qua góc nhìn từ phía biển rất khó khăn trong phân biệt được núi hay đồi, mũi hay hòn, đảo…Còn tiêu chí của những nhà hàng hải coi trọng đặc điểm cảnh quan, vật thể tự nhiên dọc dài bờ biển mà thể hiện trên bản đồ hải trình. Liên hệ trong khu vực, địa danh Xích Khảm Sơn (phía đất liền của mũi Kê Gà) chỉ là động/đồi cát cao tưởng là núi; núi Phố Chiêm (Phú Hài) với ngọn đồi Bà Nài; đảo Po Ina Nagar/ Thiên Y (La Gi)- ngư dân Việt quen gọi là Hòn Bà…Cho nên thành tố chỉ địa hình trước địa danh thường không sát với thực tế, như Hòn Rơm ở nhiều tư liệu lúc thì đồi, mũi, núi có khi là đảo…Nhưng nay Hòn Rơm là một địa danh quen thuộc dù màu vàng của rơm chỉ là hình ảnh ngày xưa. 

 Theo tác giả Sakaya-Từ điển địa danh đối chiếu Việt-Các dân tộc…(2). Địa danh Hòn Rơm, tên gốc Chăm “Mbuen Mbuk Pong (Mbuen là đồi nhỏ, hòn- Mbuk là đống- Pong là rơm) là Đồi Đống Rơm/ Hòn Rơm. Với Mũi Né thì cho rằng nơi vùng đất thờ nữ thần Chăm Bia Nai Naih- từ tên riêng Naih/ Néh (Nhỏ), người Việt đọc chệch âm và viết Néh thành Né. Khu du lịch Mũi Né từ nhiều năm qua được cả nước biết đến là nơi hội tụ các Resort nghỉ dưỡng với những bãi tắm mênh mang cát trắng và ngập tràn nắng ấm…Đồi Hòn Rơm cách xa khu du lịch Mũi Né khoảng 7km về hướng ra Bắc Bình nhưng các khu du lịch dã ngoại Hòn Rơm 1, Hòn Rơm 2 trở thành thương hiệu lọt thỏm trong cung đường bờ biển hấp dẫn khách du lịch quanh năm.  

Một số ấn phẩm quảng bá về danh thắng du lịch ở Bình Thuận của ngành Văn hóa Thông tin tỉnh đều coi địa danh Hòn Rơm là một địa điểm du lịch tiêu biểu gắn liền với biển Mũi Né, cùng với các thắng cảnh trong khu vực như Suối Tiên, Đồi Cát Bay, Bàu Trắng, Đồi Hồng... Hòn Rơm còn là cổng trời dành cho những ống kính nghệ thuật, trong khoảnh khắc có thể làm nên tác phẩm để đời bởi những lượn sóng cát mịn màng dường như còn thao thức, những góc biển tĩnh lặng mộng mơ. Từng có ở ngọn đồi này, những hình ảnh nhóm phượt tuổi trẻ hồn nhiên thắp lửa bập bùng dưới trăng đêm mùa hạ… Ở đây tên các địa danh theo đặc điểm địa hình dân dã ít bị biến đổi do phiên dịch, phát âm. Hòn Rơm còn có lợi thế bờ biển thơ mộng, nhiều gộp đá nhô ra nhảy múa cùng con sóng, những thuyền thúng của xóm chài Long Sơn hiền hòa. Dù không có một huyền thoại kỳ bí nào mà ngọn đồi cao này với hình dáng một con kình ngư mắc cạn đang cố trườn mình bám sóng. Thế mà lại có sức quyến rũ bởi màu nắng quái lung linh lúc biển vào chiều.

https://hvhnt.binhthuan.gov.vn/


Marketing

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn