Dinh Thầy Thím

Dinh Thầy Thím thuộc làng Tam Tân, thị xã La Gi, nằm ở phía nam của tỉnh Bình Thuận. Làng Tam Tân (gồm hai xã Tân Tiến và Tân Hải bây giờ) là một làng hình thành khá sớm. Về đặc điểm dân cư, làng Tam Tân được hình thành từ cuối các đời chúa Nguyễn (khoảng giữa thế kỷ XVIII) và cuối triều Nguyễn (1867) với hai nhóm di dân lớn đến từ các tỉnh phía Bắc và phía Nam Bình Thuận. Do vậy, người Tam Tân vừa có chất cần cù của người miền Trung vừa có nét phóng khoáng của dân Nam Bộ.



Thiên nhiên nơi đây đầy đủ điều kiện để phát triển lâu dài. Song trước mắt, những chủ nhân mới của vùng đất này phải đối diện với nhiều gian nan, thử thách: bệnh tật và thú dữ. Hơn nữa, trước mặt là biển cả mênh mông, sau lưng là rừng già thâm u, tĩnh mịch, con người càng nhỏ bé hơn trước thiên nhiên bao la. Trong bối cảnh đó, tìm chỗ dựa tinh thần ở đấng siêu nhiên là điều tất yếu. Đối với những ngươi đi mở đất, xây dựng nơi thờ tự là nhu cầu tinh thần không thể thiếu được. Và, vị thần của làng phải là người có những đặc điểm giống cư dân ở đây: dân di cư tự do, người nghĩa khí rộng lượng, trên hết là biết chữa bệnh cứu người, chia sẻ những khó khăn, sống chan hoà với dân làng, dạy cho dân làng những điều hay, lẽ phải, thuần phục muôn thú. Với điều kiện đó, Thầy Thím là hai nhân vật huyền thoại đáp ứng tất cả các yêu cầu trên. Hình tượng Thầy Thím mau chóng chiếm trọn tình cảm của dân làng và rộng hơn thế nữa. Đó cũng là lý do giải thích tại sao Thầy Thím được xem như Thành hoàng của làng. Bởi trong tâm thức người dân, mọi việc thành công đều có sự trợ giúp của Thầy Thím.

Tôn kính và thờ phụng Thầy Thím là hoạt động văn hoá xuyên suốt của làng Tam Tân. Nhìn vào sự phát triển của Dinh Thầy Thím cũng có thể nhận thấy sự hưng thịnh của làng Tam Tân. Dinh Thầy Thím khởi đầu được xây dựng bằng tranh tre vách đất, phù hợp năng lực của làng Tam Tân lúc bấy giờ. Theo quan niệm người xưa, dinh – đình không đặt nơi hẻo lánh như chùa, song cũng không được gần chợ và gần dân cư. Do vậy, lúc đầu Dinh Thầy Thím được xây dựng ở trong khu rừng Bàu Cái – nằm giữa rừng cây bao la mênh mông màu xanh. Tuy ở xa dân làng nhưng ngôi Dinh đơn sơ ấy lúc nào cũng có người hương khói. Lần hồi cuộc sống khá hơn, người dân không ngừng vun đắp nơi sinh hoạt tinh thần của mình. Các tài liệu vật thể còn lưu lại di tích cho thấy xây dựng Dinh Thầy Thím là quá trình của nhiều thế hệ. Trong giai đoạn đầu, có thể kể đến hai lần xây dựng lớn. Lần đầu là xây dựng Chánh điện vào cuối năm 1879 (năm Tự Đức thứ 32). Nhìn kiểu dáng tứ trụ được chọn lựa kỹ càng từ các danh mộc có trong rừng, được trau chuốt công phu của những tay nghề xứ Quảng, sẽ hiểu được sự lao động cật lực của các bậc tiền nhân. Lần xây dựng thứ hai cách lần trước gần nữa thế kỷ (1924 – năm Khải Định thứ9). 

Đây là lần tu bổ lớn với nhiều hạng mục: nhà võ ca, nhà Tiền hiền, công trình phụ cùng hàng chục hoành phi, câu đối cổ, hương án,.. Những công trình mới đã làm chho Dinh Thầy Thím mang dáng dấp kiến trúc cung đình, uy nghi và bề thế.



Như vậy, đến Cách mạng tháng Tám năm 1945, làng Tam Tân có lịch sử khoảng 250 năm và Dinh Thầy Thím được xây dựng cơ bản hoàn chỉnh được 7 thập kỷ, trở thành nơi sinh hoạt văn hoá – tinh thần, gắn liền với sự hình thành và phát triển của làng Tam Tân.

Đến hôm nay, Di tích lịch sử - văn hoá Dinh Thầy Thím trở thành điểm nhấn trong phát triển du lịch của tỉnh Bình Thuận, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Hàng năm, Lễ hội Dinh Thầy Thím trở thành một trong những lễ hội văn hóa – du lịch của tỉnh Bình Thuận, và là một trong những lễ hội lớn ở phía Nam của đất nước.

Đây là một câu chuyện mang nhiều màu sắc huyền thoại, được người đời truyền kể, thậm chí còn được “sân khấu hóa”, dàn dựng rất hấp dẫn. Người dân địa phương cho rằng sau “lớp áo” kỳ bí trên có thể còn chứa đựng một sự thật lịch sử nào đó cần phải nghiên cứu làm rõ.

Huyền thoại một sự tích

Dinh Thầy Thím thuộc địa phận xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận, được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1997. Đây là một địa chỉ tâm linh, tín ngưỡng nổi tiếng ở Bình Thuận, được đông đảo du khách thập phương, trong đó có cả bà con kiều bào trên thế giới biết và tìm đến hành hương chiêm bái, nhất là vào dịp lễ hội Dinh Thầy Thím tổ chức vào trung tuần tháng 9 âm lịch hàng năm.

Theo hồ sơ khoa học về di tích Dinh Thầy Thím của Sở VH-TT-DL Bình Thuận, ngày xưa ở tỉnh Quảng Nam có một đạo sĩ giàu lòng nhân ái, võ thuật hơn người, rất được dân làng mến mộ. Vì bị nhà vua xét xử oan ức nên đạo sĩ cùng vợ phiêu dạt vào phương Nam lánh nạn.

Tam Tân, một làng quê xa xôi trù phú, trở thành nơi dừng chân cuối cùng của vợ chồng đạo sĩ. Và cũng từ đây, những truyền thuyết đức độ của vợ chồng đạo sĩ được hết lòng ca ngợi, dân làng Tam Tân thân thiết gọi vợ chồng đạo sĩ là “Thầy - Thím”.

Thầy sinh vào những năm đầu của triều đại Gia Long, cần mẫn dùi mài kinh sử, tầm sư học đạo, nuôi chí giúp đời. Việc lớn chưa thành thì Thầy gặp đại tang, cha mẹ đột ngột qua đời. Là người con hiếu thảo, Thầy ở lại quê nhà cùng vợ chịu tang cha mẹ.

Làng quê Thầy - Thím nhiều năm liền hạn hán, mất mùa, đời sống của người dân cơ cực. Thầy lập đàn khấn nguyện, trời đang trong xanh bỗng sấm chuyển, mưa như trút nước, cỏ cây hồi sinh. Từ đó, Thầy nổi danh là đạo sĩ dùng phép thuật cứu giúp dân làng.
Dinh Thầy Thím - một địa chỉ tâm linh, tín ngưỡng nổi tiếng ở Bình Thuận

Trong một ngày hội đầu năm, dân làng mơ ước có một ngôi đình khang trang để thờ phụng Thành Hoàng. Như cảm thông với nỗi khát khao của những tấm lòng thành kính với thần linh, đêm hôm ấy gió mưa dữ dội báo trước một điềm lạ.

Quả nhiên, khi trời yên, gió lặng, mọi người thấy ngôi đình mới tọa lạc ngay giữa làng. Dân làng vui mừng chưa được bao lâu thì làng bên báo về triều, tố cáo Thầy dùng phép thuật đánh cắp đình, âm mưu gây bạo loạn.

Nhà vua nghiêm trị Thầy lãnh án “Tam ban triều điển” (xử trảm, uống thuốc độc hoặc thắt cổ). Thầy chọn hình thức sau cùng, kỳ lạ thay, khi tấm lụa đào đến tay Thầy bỗng trở nên có sức sống kỳ lạ, lụa biến thành rồng nâng Thầy Thím bay bổng lên không trung. Khi bay qua quê nhà, Thím làm rơi chiếc hài như một lời nhắn từ biệt, rồi theo lụa rồng bay về phương Nam.

Thầy - Thím đến cư ngụ tại làng Tam Tân (nay là xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) dưới lớp áo của người quê đến ở trọ nhà ông Hộ Hai, làm các nghề đốn củi, đóng ghe, bốc thuốc chữa bệnh cứu người.

Có điều lạ là bên mình Thầy lúc nào cũng có quả bầu khô, người ta nói Thầy có phép “sái đậu thành binh” (gieo đậu thành binh lính).

Một hôm Thầy vội vã vào rừng mà quên mang chiếc bầu theo, chủ nhà tò mò lấy ra xem, bỗng lửa phụt ra thiêu rụi cả căn nhà. Sau khi làm lại căn nhà mới cho ông Hộ Hai, Thầy - Thím vào ở hẳn trong rừng sâu Bàu Cái. Thầy nhận đóng ghe cho ngư dân.

Mặc dù quanh khu rừng cả ngày vang lên tiếng đẵn gỗ, đục đẽo nhưng chưa ai thấy người giúp việc của Thầy. Từ nơi cánh rừng, Thầy đóng ghe ra đến biển dài 3km, có mạch nước nhỏ đổ ra biển, dân địa phương tương truyền đó là dòng nước Thầy dùng gậy tạo ra để đưa ghe ra biển, gọi là đường lướt ván.

Còn nhiều câu chuyện về lòng nhân ái của Thầy như: trừng phạt bọn buôn gạo lợi dụng năm mất mùa bóp chẹt dân nghèo; cứu dân chài trong cơn sóng to, gió dữ; cảm hóa thú rừng là nỗi nơm nớp lo sợ của nhiều người khi buổi đầu khai phá thiên nhiên hoang dã.

Rồi đến một ngày mùa thu, được tin Thầy - Thím qua đời, dân làng vội vã vào rừng thì thấy 2 ngôi mộ bằng cát trắng phau được thú dữ vun đắp ở gần nơi Thầy - Thím tạ thế. Hàng năm, cứ đến ngày 5 tháng Giêng có đôi bạch, hắc hổ thường xuyên về tảo mộ, phủ phục canh gác ngôi mộ. Khi bạch, hắc hổ qua đời, dân làng an táng ngay sau mộ Thầy - Thím để tưởng nhớ hai con vật tận trung.

Tỏ lòng nhớ ơn công đức Thầy - Thím, nhân dân chung sức lập đền thờ ở khu rừng Bàu Cái. Ngày 15-9 âm lịch hàng năm là ngày lễ tế thu Thầy - Thím, nghĩa cử Thầy - Thím được dân gian lưu truyền. Thế nên, đến đời Thành Thái thứ 18, nhà vua đã xem lại án xử trước đây và ban sắc phong cho Thầy - Thím là “Chí Đức Tiên sinh, Chí Đức Nương Nương Tôn Thần”.

Là người thật?


Chỉ là một truyền thuyết dân gian với nội dung giới thiệu về thân thế và ca ngợi công đức của Thầy - Thím, qua đó giáo dục con người biết hướng thiện, sống nhân ái, đạo nghĩa, tuy nhiên khi tìm đến người dân địa phương để hỏi, ai cũng kể rành mạch về sự tích Thầy - Thím và họ khẳng định đây là những nhân vật có thật. Đó là Thầy (tên chồng) và Thím (tên vợ) được người dân gọi vắn tắt “Thầy - Thím” và vốn là cặp vợ chồng không tên, không có con cho đến khi mất.


 Ông Văn Công Sơn, vốn là Trưởng ban quản lý di tích, cho rằng: Thầy - Thím là những con người có thật, cuộc sống thật chứ không phải thần hoàng cai quản một vùng đất. Thầy - Thím qua đời sau một đêm mưa dông bão bập bùng trong căn nhà ở rừng sâu. Người dân thờ cúng Thầy - Thím là để tỏ lòng biết ơn, kính trọng vì những việc làm của Thầy - Thím. Với người dân địa phương, Dinh Thầy Thím là điểm tựa để nâng đỡ họ mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống.

Theo nhà nghiên cứu Trần Viết Điền, năm 1802, vua Gia Long cho hành tội Nguyễn Huệ và các nhân vật nhà Tây Sơn. Xương cốt 7 “tử tội” cho vào giỏ mây, thả trôi trên sông Hương. Có lẽ xương cốt đã trôi theo dòng, rồi tấp vào bờ xóm Kim Bồng (nay là làng Hòa An, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế).

Xóm này vốn là nơi ngụ cư của những lính thợ gốc Quảng Nam, chuyên đóng thuyền bè phục vụ thủy quân từ thời chúa Nguyễn, qua thời Tây Sơn, rồi đến thời các vua Nguyễn. Người dân xóm Kim Bồng phát hiện các giỏ mây có cốt đã hóa thạch, bí mật thờ phụng, theo thời gian tôn tạo thành Miếu Thất Vị.

Một vị quan nhà Tây Sơn từng biết bí mật về 7 giỏ mây có hài cốt, lui về ẩn dật ở làng La Qua (Quảng Nam), tạo nên thần thoại và dựng 7 bệ thờ (sau gọi là Bảy Miếu, hay Miếu Thất Vị), thực chất nhằm âm thầm hương khói các vua, hoàng hậu, tướng lĩnh Tây Sơn bị hành hình năm xưa.

Vị cựu thần Tây Sơn này tinh thông lý số, từng giúp dân làng La Qua. Tiếng đồn đến tai triều đình, vị nho sĩ - đạo sĩ đã bị khép tội chết. Có khả năng ông đã tránh vào Bình Thuận, rồi từ đó hình thành nên truyền thuyết về Thầy - Thím ở La Gi.

Tuy vậy, giả thuyết trên vẫn còn nhiều “điểm mờ”, vì chính nhà nghiên cứu Trần Viết Điền cũng nhận định rằng, đó là một “giả thuyết táo bạo”, cần được “tiến hành kiểm chứng trong tinh thần khoa học”. Do vậy, cho đến nay truyền thuyết về Thầy - Thím vẫn mang nhiều màu sắc huyền thoại và bí ẩn.
Marketing

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn