Cây Trôm ở Bình Thuận

Cây trôm phù hợp với nền thổ nhưỡng cằn, khô hạn của vùng đất Bình Thuận (chủ yếu tập trung ở huyện Tuy Phong), được nhân giống bằng hạt. Từ lúc ươm đến khi thu mủ lần đầu, cây được chăm sóc kỹ lưỡng, bón bằng phân chuồng, phân hữu cơ và làm cỏ thường xuyên.

Hoa của loại cây này có mùi hắc khó chịu nên không thu hút các loại côn trùng gây hại, phòng ngừa được sâu bệnh. Là loại cây có khả năng chịu hạn cao nên khoảng vài ngày, người trồng mới phải tưới nước một lần. Khi cây bắt đầu lên tán, việc tưới nước cũng hạn chế dần.


Sau 4-5 năm (những vùng đất cằn có thể tới 6 năm), cây mới cho thu hoạch mủ. Thoạt nhìn, các công đoạn thu hoạch mủ trôm đơn giản nhưng thực tế lại đòi hỏi sự tỷ mỷ, kỳ công của người trồng.

Muốn thu được mủ trôm sạch, màu trắng, không bị lẫn bụi, vỏ cây, trước khi tiến hành lấy mủ, người trồng phải vệ sinh phần vỏ cây bằng cách cạo sạch lớp biểu bì ngoài sau đó khoan xuyên qua lớp vỏ. Lỗ khoan to hay bé tùy thuộc vào độ lớn của cây. Theo người dân địa phương, việc dùng máy khoan để dùi lỗ lấy mủ trôm sẽ ít làm cây bị tổn thương, mủ trôm ra đều và thân cây cũng nhanh lành trở lại.

Sau 1-2 ngày, lớp nhựa cây ứ ra, đông thành từng cục nhỏ bám trên vỏ cây, lấp đầy các lỗ khoan để làm lành vết thương, người trồng tiến hành thu hoạch mủ. Do mủ trôm có dạng đặc, nhờn, dễ bám bụi, bẩn nên quá trình thu hoạch đòi hỏi sự tỉ mẩn, cẩn thận.


Quy trình thu hoạch mủ được lặp lại khoảng 2-3 ngày. Tùy thuộc vào độ lớn và độ già của thân cây, số lần thu hoạch mủ trôm có thể lên đến 10-15 lần thì vết thương trên thân cây mới lành trở lại. Khi đó, người trồng lại tiếp tục cạo vỏ và thu hoạch tiếp.

Ngoài ra, nếu không sử dụng phương pháp khoan lỗ, một số người còn thu hoạch mủ bằng cách đục so le dọc theo thân cây nhiều rãnh nhỏ theo rồi dùng vỏ bọc nilon quấn kín, để khi mủ chảy ra không bị dính bẩn hoặc không bị chảy rớt xuống nền đất. Sau 7 ngày, người trồng tháo lớp nilon ra và thu được mủ trôm tươi.

Mủ trôm được thu hoạch chủ yếu vào mùa nắng, từ tháng 11 năm trước tới tháng 5 năm sau. Nếu thu hoạch vào mùa mưa, mủ phải được lấy liên tục trong ngày để không bị bám dính nước mưa, tránh tình trạng mủ chuyển từ màu trắng đục sang màu vàng, bị nở và bị hỏng.

Sau khi thu hoạch mủ trôm tươi, người dân đem phơi dưới nắng gắt khoảng 3-4 ngày là có thể thu được mủ khô. Trung bình, 1kg mủ tươi sau khi phơi khô sẽ còn khoảng 0,5kg. Mủ trôm khô có thể được nhập bán trực tiếp cho thương lái và sử dụng làm nguyên liệu phục vụ sản xuất công nghiệp, mỹ phẩm, chế biến thực phẩm hoặc tiếp tục sơ chế thành sản phẩm hoàn thiện, dùng làm giải khát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, nhuận trường...


Do chứa hàm lượng magiê cao, mủ trôm Bình Thuận được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện sản phẩm mủ trôm của vùng được tiêu thụ chủ yếu tại thị trường trong tỉnh, TP HCM và một số địa bàn lân cận.

Được biết, mủ trôm được trồng tại Bình Thuận có giá trị dinh dưỡng cao, tính mát có nhiều vi lượng, hàm lượng khoáng chất cao như: magiesium, kali, kẽm, calcium, natri, sắt, gluco và chất xơ... có tác động rất lớn đến chuyển hóa toàn bộ cơ thể. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mủ trôm có tác dụng thanh nhiệt, mát gan, giải độc gan, giảm mỡ trong gan, hỗ trợ điều trị đối với những bệnh về gan mật, mụn nhọt. Về mặt y học, mủ trôm có tính chất hút nước mạnh nên có tác dụng làm trương nở, gây kích thích nhu động ruột giúp đẩy phân ra nhanh. Vì vậy, mủ trôm được xem là một vị thuốc nhuận tràng chữa trị các bệnh về đường tiêu hóa rất hiệu quả, đặc biệt là chứng táo bón, kiết lỵ. Do có giàu chất xơ nên mủ trôm có khả năng cải thiện độ mỡ trong máu, tăng cảm giác no và điều tiết lượng đường trong máu ở người thừa cân, béo phì, điều hòa đường huyết ở người tiểu đường, chống vữa xơ động mạch, ổn định huyết áp, hỗ trợ ngăn ngừa bệnh thiếu máu cơ tim, giãn tĩnh mạch, thuyên tắc tĩnh mạch sâu.
Marketing

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn