Lễ hội Nghinh Ông của người Hoa ở Phan Thiết

 LỄ HỘI NGHINH ÔNG CỦA NGƯỜI HOA Ở PHAN THIẾT

Nguồn gốc của lễ hội

Từ nửa cuối thế kỷ XVII, do biến động lớn về chính trị ở trong nước và được sự cho phép của chúa Nguyễn Phước Tần ở Đàng Trong, nên một bộ phận người Hoa ở các tỉnh ven biển Hoa Nam như Quảng Đông, Phúc Kiến; về sau có thêm các nơi khác như Triều Châu, Quảng Đông và Hải Nam lần lượt di cư đến các tỉnh phía Nam của Đại Việt. Nhiều lãnh chúa, thương gia, thợ thủ công và người Hoa lần lượt di cư bằng đường biển và họ được định cư ở các tỉnh Bình Thuận, Biên Hòa, Định Tường và Gia Định.


Ở Bình Thuận, những nơi đầu tiên họ đến định cư là Phan Thiết, sau đó là Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình và nhiều nơi khác trong tỉnh, ban đầu là một số nhóm người, ngày càng tăng dần lên theo thời gian. Người Hoa đến Phan Thiết dễ dàng hòa nhập với các cộng đồng cư dân địa phương, quen dần với điều kiện sống mới. Họ sống liên kết dưới hình thức “bang” rất chặt chẽ. Tên gọi của “bang” mang tên các địa phương như bang Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông và Hải Nam. Người Hoa vẫn giữ bản sắc dân tộc không làm mất mình trong sự hòa nhập với cư dân bản địa khi họ xa Tổ quốc. Tục thờ bà Thiên Hậu, Quan Thánh Đế Quân (Quan Công) một tín ngưỡng dân dã được người Hoa mang theo khi di cư là một trong những nét riêng, làm nên bản sắc riêng của họ.

Lễ hội Nghinh Ông ở Phan Thiết

Kể từ lúc người Hoa xây dựng chùa Ông vào năm 1778 cũng là năm chính thức các nghi lễ thờ cúng Quan Công bắt đầu được thực hiện theo phong cách và phương thức của mình, như: lễ Giao thừa, lễ cúng Trời, lễ vía đức Quan Thánh, lễ vía bà Chúa Sanh, lễ vía bà Thiên Hậu, lễ vía Quan Bình, lễ vía Châu Xương, lễ vào các ngày rằm... Trong đó lễ hội Nghinh Ông là lễ hội lớn và quy mô cả về hình thức và nội dung thực hiện.

Lễ hội Nghinh Ông được chia thành hai phần: Phần lễ và phần hội. Mỗi phần lại có nhiều nghi thức, nghi lễ diễn ra theo thứ tự thời gian đã được sắp xếp, có khi lại khác về không gian. Tất cả các nghi thức, nghi lễ gắn kết với nhau theo trình tự và có sự phối hợp, đan xen, trong lễ có hội và trong hội cũng có lễ, sự phối hợp đan xen này làm cho lễ hội thêm phong phú, đa dạng và thêm tính hấp dẫn, gắn bó giữa cái hiện đại và cái hư vô của cuộc sống, giữa thực tế cuộc sống với thế giới tâm linh và chính sự đan xen này phần nào đó tạo ra phần hồn cho lễ hội làm cho lễ hội sinh động và cuốn hút hơn.

Phần nghi lễ

Theo một số tài liệu lưu giữ tại các Hội quán Quảng Đông, Hải Nam, Phúc Kiến, Triều Châu và Quan Đế Miếu ở Phan Thiết thì lễ hội Nghinh Ông diễn ra từ nửa cuối thế kỷ XIX như nội dung và hình thức mang từ Trung Quốc sang, cứ hai năm đáo lệ một lần. Trước giải phóng 1975, lễ hội này được tổ chức vào hạ tuần tháng 7 Âm lịch và diễn ra liên tiếp 4 ngày. Tháng 7 Âm lịch theo người Hoa tức là mùa báo hiếu với tổ tiên, với thánh thần. Lễ hội luôn có sự tham gia cổ vũ của hàng vạn người ở Phan Thiết và các khu vực phụ cận cùng du khách ở một số nơi khác đến.

Do nhiều lý do về lịch sử xã hội, nên sau giải phóng hơn hai mươi năm, người Hoa mới có dịp tổ chức lại lễ hội ở Phan Thiết và đã được sự hưởng ứng đông đảo của cộng đồng. Về cơ bản lễ hội vẫn giữ được các yếu tố chính gốc từ xa xưa, nhưng trong cả phần lễ và phần hội đã thiếu vắng đi một số các lễ nghi và sự phối hợp của các cơ sở tín ngưỡng của người Việt ở các đình làng, dinh vạn và chùa như trước năm 1975.

Theo lễ nghi truyền thống của người Hoa, phần lễ của lễ hội diễn ra theo trình tự, bao gồm 16 nghi lễ: Lễ thỉnh Thánh Mẫu, lễ thỉnh kinh, lễ thỉnh nước, lễ thỉnh Chiêu ứng công, lễ khai kinh, lễ yết Quan Thánh và cáo tiền hiền, lễ chiêu vong linh tiền hiền, lễ phóng đăng, lễ phóng sanh, lễ cúng thí thực, lễ cầu quốc thái dân an và cuối cùng là lễ thỉnh thuyền.

Tất cả 16 nghi lễ của lễ hội Nghinh Ông diễn ra liên tục, nối tiếp nhau trong 2 ngày. Mỗi nghi lễ mang một màu sắc, ý nghĩa riêng, nhưng tất cả đều thể hiện rõ nét trang trọng, tôn nghiêm. Đây là những nghi lễ dân gian truyền thống được các thế hệ người Hoa ở Phan Thiết bảo lưu và kế thừa, góp phần thỏa mãn các nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa nói riêng và nhân dân Phan Thiết nói chung.

Phần hội

Sau 2 ngày đầu với 16 nghi lễ lớn nhỏ, diễn ra theo trình tự thời gian, không gian khác nhau để chuẩn bị cho phần hai của lễ hội. Phần hội chính thức bắt đầu với đoàn rước diễu hành qua các nẻo đường, qua các Hội quán của người Hoa, cộng thêm  sự tham gia của hàng chục ngàn người đón chờ, cổ vũ hai bên đường. Mở đầu và dẫn đoàn diễu hành là các điệu múa dân gian, diễn ra nhịp nhàng theo trình tự đã bố trí trước để các bước, các điệu múa không trùng hợp. Các bộ môn nghệ thuật cổ truyền của người Hoa được phát huy tác dụng, chú trọng nhất là các điệu múa dân gian, âm nhạc cổ điển đã được các nghệ nhân chuyên nghiệp hay nghiệp dư đua tài biểu diễn. Đoàn rước của hội lên đến gần 1000 người và kéo dài hàng trăm mét. Ban đầu lễ hội là của người Hoa, nhưng từ lâu nó vốn có năng lực truyền cảm đến cộng đồng và đã lan tỏa, trở thành lễ hội chung của cư dân Phan Thiết, bởi sự cuốn hút của hình thức và tính thiết thực của nội dung là cầu cho “Quốc thái dân an”, “Mưa thuận gió hòa”, đó cũng là ước nguyện chung của mọi người.

Trước năm 1975, ngoài hàng chục đoàn rước chính thức của người Hoa còn có sự tham gia của nhiều đoàn đến từ các đình làng Đức Thắng, Đức Nghĩa, Hưng Long, các dinh vạn Thủy Tú, Phú Bình và một số chùa ở Phan Thiết. Chính sự tham gia của một bộ phận người Việt đã làm cho lễ hội thêm vui, thêm phong phú đa dạng, và có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đoàn rước, nó liên kết lại trong một môi trường văn hóa và tín ngưỡng đặc sắc đã biến lễ hội thành nơi gặp gỡ giao lưu văn hóa giữa hai dân tộc Hoa - Việt. Từ sau 1975, do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan cũng như nhiều lễ hội khác có quy mô lớn được phục dựng hoặc tổ chức lại, nên lễ hội Nghinh Ông chỉ có người Hoa thực hiện ở Phan Thiết và các nơi về tham dự.

Lễ hội Nghinh Ông có nguồn gốc, xuất xứ từ Trung Quốc nhưng đây là lễ hội có quy mô lớn từ hình thức đến nội dung, bao gồm cả không gian và thời gian; thêm vào đó là số lượng người tham gia rất đông và cả nguồn kinh phí lớn mới có thể tổ chức được. Bởi vậy, đây là lễ hội chung của người Hoa nhưng rất nhiều nơi có người Hoa định cư từ hơn 300 năm nay vẫn không thể tổ chức được mà phải về Phan Thiết cùng tham gia lễ hội. Lễ hội Nghinh Ông có qui mô lớn, không gian rộng và thời gian dài, số nghệ nhân tham gia đông, cường độ diễn ra liên tục, số lượng người xem lớn hơn. Mặt khác, lễ hội Nghinh Ông có lợi thế hơn các lễ hội khác là diễn ra ngay trên đường phố Phan Thiết và đây là một trong những lễ hội được gọi là lễ hội của đường phố./.


Marketing

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn