Di tích Kiến trúc nghệ thuật nhóm đền tháp Chăm Podam

Nhóm đền tháp Chăm tọa lạc dưới chân núi đá có tên gọi là núi Ông Xiêm (hay còn gọi là Núi Ngài) cao 600m so với mặt nước biển thuộc địa bàn thôn Lạc Trị, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Nằm cách Quốc lộ 1A khoảng 6km về phía Tây, cách thành phố Phan Thiết khoảng 120km về phía Bắc.

Thực ra nhóm tháp này được xây dựng vào những năm đầu của thế kỷ VIII và thuộc phong cách kiến trúc nghệ thuật Hòa Lai để thờ thần chủ Siva. Ở đây vẫn còn 2 bệ thờ Linga - Yoni là biểu tượng của thần Siva cũng có niên đại cùng thời với tháp ở thế kỷ VIII. Theo lịch sử và truyền thuyết dân tộc Chăm, Pô Tằm là vị vua trẻ, người Việt gọi là Trà Duyệt, ông là con của vua Chăm Para Chanh (sử Việt gọi là La Khải). Khi vua cha Para Chanh mất, Pô Tằm lên ngôi vua năm Bính Dần 1445 và mất năm Nhâm Thìn 1472. Khi nhà vua mất, Hoàng tộc Chăm thời đó đã xây đền thờ để thờ ông cạnh  tháp thờ thần chủ Siva. Dấu tích của đền thờ thấy rõ qua đợt khai quật khảo cổ năm 2013 - 2014 với nền móng  đền thờ  và rất nhiều các loại ngói lợp, vật  trang trí  kiến trúc bằng đất nung. Đầu thế kỷ XX một số nhà khảo cổ, kiến trúc Pháp đến đây nghiên cứu đã phiên âm chữ Pô Tằm thành Podam. Từ đó đến nay Podam trở thành tên gọi thông dụng quen thuộc của nhiều người và trong các công trình nghiên cứu khoa học ở trong và ngoài nước.

Về kiến trúc: Tháp Podam được người Chăm chọn vị trí xây dựng ở cuối dãy núi Ông Xiêm. Đây là ngọn núi đá cao và dài, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn đổ xuống. Với ý tưởng xây dựng nhóm đền tháp ở đây vừa có nền móng đá chắc chắn vừa tạo nên sự hùng vĩ cho di tích; về tôn giáo lại phù hợp với quan niệm của Ấn Độ giáo bởi các ngọn núi là nơi cư ngụ của các vị thần linh, xây đền tháp ở đây phù hợp với ý tưởng đó. Điều này cũng giải thích vì sao di tích lại xây dựng quá xa làng mạc, đường sá khó khăn, phương tiện vận chuyển lại càng khó hơn. Trong lúc cả khu vực rộng lớn hàng ngàn hecta bao gồm nhiều gò đồi, khoảng đất rộng có nhiều điều kiện thuận lợi bên cạnh họ lại không xây dựng.

Từ những năm đầu thế kỷ XX, khi các nhà khoa học người Pháp nghiên cứu đến nay nhóm đền tháp Podam được biết đến có 6 ngôi tháp, chia thành hai nhóm (nhóm Bắc và nhóm Nam) theo hai trục song song hướng về phía Nam chếch Tây 15°30’. Thời điểm đó, họ đã căn cứ vào những ngôi tháp hiện còn trên mặt đất để công bố về số lượng. Về phía người Chăm địa phương cũng không có một nguồn tài liệu nào nói đến số lượng các tháp trong nhóm. Mãi đến năm 2013 - 2014, Trung tâm Khảo cổ học thuộc Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ và Bảo tàng Bình Thuận khai quật mới phát hiện thêm nhiều nền móng kiến trúc và 2 đế tháp khác ở về phía Nam của nhóm tháp Nam. Như vậy, số lượng tháp trong nhóm là 8 tháp chứ không phải 6 như lâu nay chúng ta vẫn thấy. Cũng qua khai quật khảo cổ đã phát hiện lối đi ở hướng Đông, với hàng chục bậc bằng gạch xây đi thẳng vào hướng ở cửa chính tháp D. Lối đi này đã bị vùi lấp hàng thế kỷ nay, không có tài liệu nào nhắc đến, người Chăm tại địa phương cũng không hay biết.

Nhóm tháp Nam gồm các tháp B, C, D cách nhóm tháp Bắc 11m, cả 3 tháp có diện tích và chiều cao gần giống các tháp ở nhóm Bắc nhưng vị trí và kiểu dáng kiến trúc đến những chi tiết điêu khắc, trang trí nghệ thuật lại hoàn toàn khác các tháp trong nhóm Bắc.

Về phong cách nghệ thuật và niên đại: nhóm đền tháp được các nhà khoa học Pháp trước đây xác định thuộc phong cách kiến trúc nghệ thuật Hòa Lai (lấy tên của nhóm Ba Tháp ở Ninh Thuận để đặt tên cho phong cách nghệ thuật này, từ cuối thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ IX), tuy nhiên dựa vào kết quả khai quật những năm gần đây (đặc biệt là việc phát hiện bia đá ở tháp Podam năm 2014 có niên đại năm 710) nên niên đại chung của phong cách này được xác định lại là từ đầu thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ IX.

Về tôn giáo tín ngưỡng: người Chăm xây dựng với chức năng công trình là để thờ thần chủ Siva. Vị thần chính thức và thiêng liêng nhất trong Ấn Độ giáo tượng trưng cho sự hủy diệt và sáng tạo của muôn loài, tạo nên kiếp luân hồi theo quan niệm của Bàlamôn giáo. Đây là một trong những nhóm đền tháp cổ kính nhất ở khu vực Ninh Thuận - Bình Thuận.

Theo niên đại được khắc ghi trong bia đá phát hiện được ở đây năm 2014, thì nhóm tháp được xây dựng năm 710. Tính đến nay (2022) đã được 1312 năm. Mặc dù đã bị thời gian tàn phá nặng nề, tất cả các tháp trong nhóm sụp đổ quá nửa. Nguy hại nhất là tháp E, F ở nhóm Bắc chỉ còn lại phần đế tháp và một đoạn tường phía Đông cao khoảng 80cm. Cửa chính quay về hướng Nam như tháp Chính. Cả hai ngôi tháp này đều là tháp Phụ trong nhóm. Tuy tháp bị sụp đổ như vậy nhưng trong lòng vẫn còn đặt bệ thờ Linga - Yoni bằng đá xanh. Tháp D ở nhóm Nam chỉ còn mảng tường phía Nam và phía Tây. Các tháp A, C sụp đổ mất phần đỉnh. Chỉ còn lại tháp B còn phần đỉnh nhưng sạt đổ hết phần kiến trúc xung quanh.

Tuy nhiên, những gì còn lại trên thân tháp A (tháp Chính) cho ta thấy rõ ràng những đặc trưng của phong cách nghệ thuật Hòa Lai. Đó là: lối trang trí nghệ thuật điêu khắc độc đáo hiếm thấy ở toàn bộ tầng trệt, hình hoa lá, hoa văn sóng, hình chữ nhật, hình vuông… khắc chạm đầy vào tường tháp rậm rịt, xoắn xít. Ở góc Đông Nam đoạn tiếp giáp giữa tầng 1 và tầng 2, nghệ nhân Chăm xưa đã chạm khắc hình Makara tượng trưng cho vị thần bảo hộ đền tháp. Tất cả các mảng tường còn lại của tầng   1 được tô điểm chạm khắc rực rỡ trên từng khoảng tường. Đặc biệt cửa giả hướng Tây có vòm cuốn hình vòng cung úp lên cửa giả, chạm trổ nhiều hình tượng sinh động hai bên mang vẻ đẹp rất hùng mạnh và uyển chuyển. Trước đây gần một thế kỷ, trong công bố của ông Henri Parmentier thì trong lòng tháp Chính A có đặt một bệ thờ Linga - Yoni. Về sau không biết vì lý do gì và ai đã đưa ra đặt ngoài tháp E ở về phía Bắc tháp Chính (A).

Điểm khác biệt ở đây là gần như tất cả các đền tháp Chămpa đều quay cửa chính về hướng Đông. Dù là phong cách nghệ thuật nào, thuộc niên đại nào. Riêng nhóm tháp Podam thì lại quay cửa chính về hướng Nam là điều hiếm thấy và khó giải thích. Không phải chỉ có tháp Chính A mà các tháp B, C, E, F đều trổ cửa chính về hướng Nam. Ngoại trừ tháp D là trổ cửa chính về hướng Đông, hướng của các vị thần linh. Sự xây dựng không theo hướng định sẵn của truyền thống có thể giải thích phần nào bởi hình thể của mô đất núi chạy dài về hướng Nam. Dĩ nhiên là có những lý do đặc biệt để giải thích mà ngày nay không biết được và giá trị thiêng liêng của tôn giáo về vấn đề này cũng đã biến mất cùng với sự lãng quên của các thế hệ người Chăm hàng chục thế kỷ qua.

Về lễ hội: Hằng năm, tại đây đồng bào Chăm vẫn tổ chức lễ hội Yuer Yang (lễ Cầu an) với các nghi thức cúng tế diễn ra vào tháng tư Chăm lịch (tức khoảng tháng 7 Dương lịch). Lễ hội bao gồm các hình thức và nội dung, như nghi lễ rước y phục, lễ tống ôn, nghi thức tắm tượng kút, mặc trang phục, cầu an, đại lễ, đốt lửa thiêng, thả bè với sự tham gia của các vị chức sắc và đông đảo các tầng lớp nhân dân địa phương và du khách tham gia.

Nội dung của một chuỗi nghi lễ diễn ra liên tiếp đã gói gọn những ước vọng của nhân dân và chính nó cũng là phần hồn của di tích từ bao đời nay. Mặc dầu các di tích ngày càng bị hủy hoại, nhưng về tôn giáo, tín ngưỡng dân gian vẫn được bảo lưu và giữ gìn một cách cẩn trọng. Hiện nay, Podam là một trong những điểm đến hấp dẫn của du khách, bởi ngoài vẻ đẹp cổ kính của kiến trúc nghệ thuật, nét huyền bí trong tâm linh thì sau lưng tháp là một dãy núi cao với rặng cây rừng xanh, xen lẫn núi đá cũng là nơi tham quan lý tưởng của du khách./.

Marketing

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn