Lễ hội Ramưwan của Người Chăm Bà Ni ở Bình Thuận

Ramưwan là lễ hội lớn và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội của cộng đồng người Chăm theo đạo Bà Ni cư trú ở các huyện Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh và Hàm Tân. Lễ hội được lưu giữ, kế thừa từ lâu đời của những người Chăm theo đạo Bàni, diễn ra hàng năm vào những thời điểm nhất định theo lịch Chăm Bà Ni. Đây là không gian biểu tượng cho linh hồn và đức tin của các tín đồ nơi Thượng đế; gắn chặt với vòng đời mỗi người từ khi sinh ra cho đến khi chết đi.

Tháng Ramưwan tính theo lịch Âm gồm 12 tháng trong năm. Trong đó, tháng thiếu có 29 ngày và tháng đủ có 30 ngày; nếu tính theo Dương lịch thì tháng Ramưwan thay đổi theo từng năm và không có ngày thống nhất. Quy trình của lễ hội Ramưwan là một chuỗi những nghi lễ nối tiếp nhau, bắt đầu từ nghi lễ Kinh hội đầu năm (Suk Amaram), Kinh hội xoay vòng (Suk yeng), Tảo mộ (Nao mâk rek), tháng Ramưwan và kết thúc là nghi lễ Waha. Những nghi lễ này được thực hiện bởi hệ thống các chức sắc, tu sĩ tách biệt với tín đồ và làm nhiệm vụ trung gian để truyền tải những thông điệp của tín đồ đến với Thượng đế.

Lễ Kinh hội đầu năm (Suk Amaram): Được tổ chức vào ngày 1 tháng 1 Hồi lịch, nhằm để trình báo lên Thượng đế Alla biết là năm mới đến và cầu mong Thượng đế phù hộ cho tất cả các tu sĩ và muôn dân được an lành vạn phúc. Theo quy định, lễ chỉ tổ chức ở Thánh đường do Tổng Sư cả (còn gọi là Ong Ew) chủ trì.


Lễ Kinh hội hoặc Kinh hội xoay vòng (Suk yeng): Được tổ chức vào khoảng tháng 5 Hồi lịch (nhằm tháng 8 Dương lịch). Theo Hồi lịch, cứ 8 năm tháng Ramưwan lại được lùi lại 3 lần, đương nhiên Kinh hội xoay vòng cũng lùi lại đúng như vòng luân chuyển trên của thời gian. Theo tục lệ, ngày thứ 6 trong tuần là ngày khai lễ và mỗi tuần tổ chức ở một Thánh đường theo hình thức cuốn chiếu cho đến Thánh đường cuối cùng phải trước tháng Ramưwan 30 ngày. Kinh hội xoay vòng là một trong những nghi thức lễ quan trọng của người Chăm Bàni, bởi lẽ đây là dịp để các tu sĩ mở cửa thánh đường làm lễ cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, muôn người được bình an.

Lễ tảo mộ: Là một phong tục quan trọng ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tâm linh tín ngưỡng của cộng đồng người Chăm Bàni ở Bình Thuận. Lễ Tảo mộ diễn ra trong thời gian ba ngày, sau một tháng kể từ khi kết thúc nghi lễ Kinh hội xoay vòng.


Trong ba ngày cúng gia tiên, những thành viên trong gia đình đều tập trung đông đủ trước hương hồn tổ tiên để biểu thị sự tưởng niệm, lòng tôn kính, sự biết ơn sâu sắc đối với ông bà tổ tiên theo đạo lý uống nước nhớ nguồn và hướng về nguồn cội. Từ sáng sớm, các tu sĩ và cư dân trong lễ phục truyền thống đã tập trung đông đủ ở nghĩa địa (Ghur Rak) của người Chăm Bàni để thực hiện nghi thức lễ theo từng làng và dòng họ. Kết thúc lễ, gia đình mời bà con, bạn bè dự lễ cùng hưởng lễ vật, chúc tụng lẫn nhau.

Lễ Ramưwan (Tháng chay niệm): Sau ba ngày cúng ông bà tổ tiên, vào chiều ngày mùng 1 tháng 9 (Hồi lịch) tất cả các chức sắc và tu sĩ Chăm Bà Ni sẽ vào Thánh đường bắt đầu cho tháng chay niệm, làm lễ, đọc kinh Koran và cầu nguyện mở đầu cho tháng Ramưwan của người Chăm theo đạo Bàni.

Trong tháng Ramưwan, cứ một ngày một đêm sẽ có năm lần đọc kinh và cầu nguyện. Trong suốt thời gian cầu nguyện, các tu sĩ thay đổi rất nhiều thế đứng, quỳ lạy, phủ phục, mỗi loại tư thế đều đọc mỗi kinh khác nhau. Để tháng Ramưwan là tháng bình an và tốt lành cho mọi người nên sẽ diễn ra nghi thức đưa cây thánh (gai Bhong) ra ngoài. Mặc dù, các công đoạn chuẩn bị rất công phu nhưng lễ đưa cây thánh ra ngoài  chỉ diễn ra khoảng 2 phút, rồi quay vào lại trong thánh đường, nhưng lại rất quan trọng, đó là phải canh đúng lúc mặt trời đã lên để ánh sáng chiếu vào mọi người trong lúc làm lễ, đây mới là điềm lành cho cả năm mới.

Nghi thức đưa cây thánh ra ngoài và nghi lễ chứng kiến và làm lễ gia nhập đạo của một số vị thành niên người Chăm Bàni sẽ là nghi thức kết thúc những nghi lễ chính của tháng Ramưwan.

Lễ Waha (còn gọi là Tết ra): Đúng 100 ngày, kể từ ngày đầu tiên của tháng Ramưwan sẽ diễn ra lễ Waha và cũng để kết thúc quy trình rất dài của lễ hội Ramưwan kéo dài gần trọn một năm theo Hồi lịch.

Mười ngày trước khi diễn ra lễ Waha, tất cả người Chăm trong vùng (kể cả người Chăm theo đạo Bàlamôn) không được sát sinh, gây mất trật tự xóm làng và người Chăm theo đạo Bàlamôn nếu chết thì không được làm lễ hỏa táng mà chỉ được phép thổ táng, đúng 3 năm sau mới được hoả táng và nhập Kút theo tập tục.

Trong lễ Waha diễn ra tại thánh đường, bắt đầu vào buổi chiều hôm trước và kết thúc vào buổi chiều hôm sau. Nghi thức đưa cây gậy Thánh ra ngoài sẽ được thực hiện lần thứ 2 trong lễ Waha (lần đầu vào ngày cuối cùng của tháng Ramưwan).

Lễ Waha khác với các nghi lễ trong quy trình lễ hội Ramưwan, trước hết là trang phục các vị tu sĩ từ Sư cả đến thầy Acar đều mặc áo trắng, quần trắng, đội mũ trắng và hai con gà trắng để tế thần linh. Sở dĩ có quy định này, theo sư cả là để tang cho Thượng đế Alla theo truyền thuyết.

Lễ hội Ramưwan là sản phẩm văn hoá tinh thần không thể thiếu của người Chăm Bàni ở Bình Thuận, góp phần tạo nên diện mạo và bản sắc văn hóa riêng cùng hòa chung trong nền văn hóa Việt Nam đa dạng. Tựu chung qua các nghi lễ, ngoài việc mang ý nghĩa tôn vinh và thần phục Thượng đế cũng như thánh Alla, thoả mãn phần nào đời sống văn hoá tâm linh của các tín đồ; mà thông qua đó còn góp phần bảo lưu, gìn giữ những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của người Chăm qua nhiều thế hệ./.


Marketing

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn